Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 của cách mạng Việt Nam và thất bại cay đắng của đế quốc Mỹ cùng các thế lực phản động, tay sai - Sự thật lịch sử không thể phủ nhận
29/04/2025 03:21
Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài và gian khổ của dân tộc ta. Đây là một chiến thắng vĩ đại mang tầm vóc thời đại, không chỉ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn giáng một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Đồng thời, bài viết làm rõ sự thất bại thảm hại của Mỹ và các thế lực phản động, tay sai, phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi này...
TS. Thái Doãn Việt
GVC. Khoa Lý luận cơ sở
Tóm tắt: Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài và gian khổ của dân tộc ta. Đây là một chiến thắng vĩ đại mang tầm vóc thời đại, không chỉ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn giáng một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Đồng thời, bài viết làm rõ sự thất bại thảm hại của Mỹ và các thế lực phản động, tay sai, phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi này, qua đó khẳng định Đại thắng 30/4/1975 là một sự thật lịch sử không thể xuyên tạc hay phủ nhận.
Từ khóa: Đại thắng Mùa Xuân 1975; Cách mạng Việt Nam; Sự thật lịch sử.
1. Mở đầu
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự kết thúc vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài suốt 21 năm (1954-1975). Chiến thắng này không chỉ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc mà còn là biểu tượng sáng ngời của tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích bối cảnh lịch sử, diễn biến chính, ý nghĩa to lớn của Đại thắng Mùa Xuân 1975, đồng thời làm rõ sự thất bại không thể tránh khỏi của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai, khẳng định đây là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận.
2. Nội dung
2.1. Bối cảnh lịch sử dẫn đến Đại thắng Mùa Xuân 1975
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Hiệp định Geneva được ký kết, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền. Mỹ đã nhanh chóng nhảy vào miền Nam, dựng lên chế độ tay sai Ngô Đình Diệm.
Trước bối cảnh đó, Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đề ra đường lối cách mạng phù hợp, xác định rõ hai nhiệm vụ chiến lược cần thực hiện song song: xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, với mục tiêu giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Từ những năm 1960, phong trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam ngày càng lớn mạnh, từ đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, giáng những đòn nặng nề vào chế độ tay sai Ngô Đình Diệm và các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc họ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán tại Paris.
Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", cố gắng duy trì chế độ tay sai và rút dần quân Mỹ nhưng vẫn để lại lực lượng cố vấn và viện trợ quân sự. Dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng, quân và dân cả nước đã đoàn kết một lòng, vừa chiến đấu vừa xây dựng, đánh bại từng bước các chiến lược chiến tranh của địch.
Mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết, nhưng ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố phá hoại hòa bình, tiếp tục đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Đảng ta đã nhận định thời cơ chiến lược đã đến, quyết định phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
2.2. Thắng lợi vang dội của Đại thắng Mùa Xuân 1975
Mở màn cho thắng lợi vang dội của Đại thắng Mùa Xuân 1975 là chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 3/4/1975). Tây Nguyên, với vị trí chiến lược quan trọng, đã được chọn làm hướng tấn công mở màn. Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra hết sức bất ngờ và táo bạo, với trận đánh then chốt tại Buôn Ma Thuột vào ngày 10-11/3/1975. Quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk. Thắng lợi này đã gây ra sự hoang mang, dao động lớn trong hàng ngũ địch, buộc chúng phải rút bỏ Tây Nguyên một cách hỗn loạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đòn tiến công tiếp theo của ta.
Tiếp theo là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21/3 - 29/3/1975). Đây là đòn quyết định làm suy sụp ý chí chiến đấu của địch. Sau thắng lợi ở Tây Nguyên, quân ta thừa thắng xông lên, tiến công vào Huế và Đà Nẵng. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, quân và dân ta đã nhanh chóng giải phóng thành phố Huế vào ngày 26/3/1975 và thành phố Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975. Sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm quân sự lớn này đã gây ra một cú sốc lớn cho chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ, làm tan rã hoàn toàn hệ thống phòng thủ của chúng ở miền Trung.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 - 30/4/1975): Kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Sau khi giải phóng Huế và Đà Nẵng, tình hình chiến trường đã có những chuyển biến căn bản, thời cơ tổng tiến công chiến lược vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn đã chín muồi. Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, huy động sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta.
Chiến dịch diễn ra với khí thế vô cùng mạnh mẽ, quân ta từ nhiều hướng đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng đã thần tốc tiến công, làm chủ hàng loạt mục tiêu trọng yếu như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu và đặc biệt là Dinh Độc Lập – trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng của quân giải phóng hùng dũng tiến qua cổng Dinh Độc Lập, bắt giữ toàn bộ nội các của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, chính thức khép lại một chương đầy máu và nước mắt trong lịch sử dân tộc.
Đại thắng Mùa Xuân 1975 là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập tự cường, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam; của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế.
2.3. Thất bại cay đắng của đế quốc Mỹ và các thế lực phản động, tay sai
Thất bại của đế quốc Mỹ và các thế lực phản động, tay sai trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975) không phải là một kết quả bất ngờ hay ngẫu nhiên, mà là một quá trình tất yếu được định hình bởi những yếu tố sâu xa về chiến lược, chính trị, quân sự và xã hội. Đây là một sự sụp đổ cay đắng, không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề cho chính nước Mỹ mà còn phơi bày sự bất lực của chủ nghĩa thực dân mới trước sức mạnh của tinh thần dân tộc và ý chí tự cường của quân và dân ta
2.3.1. Sự phá sản về chiến lược toàn cầu và nhận định sai lầm về Việt Nam
Mỹ coi Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chiến lược "ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản" ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ đã không hiểu đúng bản chất của cuộc đấu tranh ở Việt Nam, vốn là một cuộc chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chứ không đơn thuần là sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Việc áp đặt khuôn mẫu ý thức hệ một cách cứng nhắc đã dẫn đến những đánh giá sai lầm về động lực và sức mạnh của đối phương.
Đánh giá thấp tinh thần dân tộc và ý chí chiến đấu của người Việt: Đế quốc Mỹ đã quá tự tin vào sức mạnh quân sự và kinh tế của mình, đồng thời đánh giá thấp lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Mỹ không nhận ra rằng, đối với người Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập tự do, và họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để đạt được mục tiêu đó.
Sai lầm trong việc lựa chọn và duy trì chế độ tay sai: Mỹ đã cố gắng xây dựng và duy trì một chế độ ngụy quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, những chế độ này đều thiếu căn cứ, không được lòng dân và đầy rẫy tham nhũng, bè phái và phản động. Sự yếu kém và bất ổn nội tại của các chính quyền này đã làm suy yếu nỗ lực của Mỹ và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng phát triển.
Các chiến lược quân sự không hiệu quả: Mỹ đã triển khai nhiều chiến lược quân sự khác nhau như "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh", nhưng tất cả đều không mang lại kết quả như mong đợi. Việc sử dụng hỏa lực và công nghệ quân sự hiện đại không thể bù đắp được những sai lầm về chiến lược và sự thiếu hiểu biết về địa hình, con người và cách thức chiến đấu của đối phương. Các chiến dịch "tìm và diệt", "bình định nông thôn" đã gây ra nhiều tổn thất cho dân thường và không thể tiêu diệt được lực lượng cách mạng.
2.3.2. Sự suy yếu về chính trị và kinh tế ở trong nước Mỹ
Sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ: Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nước Mỹ phải gánh chịu những tổn thất hết sức nặng nề. Chỉ riêng thiệt hại về người, đã có 58.000 binh sĩ Mỹ chết tại chiến trường Việt Nam. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra những chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ về mặt chính trị, xã hội và đạo đức. Phong trào phản đối chiến tranh ngày càng lớn mạnh, lan rộng trong giới sinh viên, trí thức và người dân, tạo ra áp lực lớn lên chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến.
Gánh nặng kinh tế: Với hơn 900 tỷ USD nước Mỹ chi cho cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, đây là một chi phí khổng lồ đã gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, làm tăng lạm phát, thâm hụt ngân sách và ảnh hưởng đến các chương trình xã hội khác.
Uy tín quốc tế suy giảm: Việc can thiệp quân sự vào Việt Nam đã làm suy giảm uy tín và hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế, bị nhiều quốc gia và tổ chức lên án.
Hội chứng Việt Nam: Thất bại ở Việt Nam đã gây ra một "hội chứng Việt Nam" trong tâm lý người Mỹ, khiến họ trở nên thận trọng hơn trong việc can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.
2.3.3. Sự mục ruỗng và bất lực của chế độ Việt Nam Cộng hòa
Chế độ Việt Nam Cộng hòa chỉ là một công cụ tay sai của đế quốc Mỹ, không có nền tảng xã hội vững chắc, không được lòng dân. Sự tham nhũng, bè phái, đàn áp của ngụy quyền Sài Gòn đã làm mất lòng tin của nhân dân, gây ra sự bất mãn và phản kháng ngày càng mạnh mẽ.
Khi Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ, chế độ Việt Nam Cộng hòa đã bộc lộ rõ sự yếu kém và bất lực, không thể tự đứng vững trước sức tiến công mạnh mẽ của quân giải phóng. Sự sụp đổ của chế độ này là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.
2.4. Ý nghĩa lịch sử to lớn của Đại thắng Mùa Xuân 1975
Đại thắng Mùa Xuân 1975 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới:
2.4.1. Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Đây là ý nghĩa trực tiếp và quan trọng nhất của Đại thắng 30/4/1975. Sau hơn 20 năm đất nước bị chia cắt, chiến thắng này đã hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
2.4.2. Giáng một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân mới
Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một biểu tượng rực rỡ cho sức mạnh của lực lượng cách mạng, tạo động lực to lớn cho phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chiến thắng này đã chứng minh sức mạnh của tinh thần dân tộc, ý chí độc lập tự cường và khả năng đánh bại chủ nghĩa thực dân mới, dù kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh mẽ đến đâu. Thất bại của Mỹ ở Việt Nam đã làm phá sản chiến lược toàn cầu phản cách mạng của họ, góp phần làm suy yếu hệ thống thuộc địa kiểu mới trên phạm vi toàn thế giới.
2.4.3. Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của Nhân dân ta là nguồn cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Chiến thắng của Việt Nam đã khẳng định chân lý: một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu có ý chí kiên cường, đoàn kết chiến đấu vì độc lập tự do thì hoàn toàn có khả năng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
2.4.4. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Sau thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập và thống nhất, từng bước khẳng định vai trò và vị thế trên trường quốc tế. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, chủ động tham gia các tổ chức toàn cầu và diễn đàn đa phương, đóng góp thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.
Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó nổi bật là việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 12 quốc gia, bao gồm 4/5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia nhiều nhiệm kỳ trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm và cam kết đối với hòa bình, an ninh quốc tế.
Trên phương diện kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Những đóng góp ngày càng rõ nét của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác và giải quyết các thách thức chung đã góp phần củng cố hình ảnh một quốc gia độc lập, tự chủ, có trách nhiệm và tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực cũng như thế giới.
2.5. Sự thật lịch sử không thể phủ nhận
Đại thắng Mùa Xuân 1975 là một sự thật lịch sử hiển nhiên, được chứng minh bằng nhiều bằng chứng, tư liệu lịch sử khách quan và lời kể của những người trực tiếp tham gia chứng kiến sự kiện và cộng đồng quốc tế. Mọi nỗ lực xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa lịch sử vĩ đại của chiến thắng này đều là những hành động đi ngược lại sự thật, trái với lương tâm và đạo lý.
Những luận điệu sai trái, xuyên tạc thường tập trung vào việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, tô vẽ cho chế độ Việt Nam Cộng hòa và vai trò của Mỹ, hoặc cố tình gây ra những tranh cãi không cần thiết về những vấn đề đã được lịch sử khẳng định. Từ những nội dung trên ta có thể khái quát những vấn đề mà lịch sử không thể phủ nhận:
Một là, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến chính nghĩa, nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập, tự do và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quyền dân tộc tự quyết.
Chống lại sự xâm lược: Đế quốc Mỹ đã can thiệp sâu rộng và trực tiếp vào Việt Nam, dựng lên một chế độ tay sai, đàn áp Nhân dân miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ngăn cản sự thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến của Nhân dân ta là sự đáp trả chính đáng đối với hành động xâm lược này.
Khát vọng thống nhất: Thống nhất đất nước là nguyện vọng tha thiết của toàn thể Nhân dân Việt Nam sau nhiều năm bị chia cắt. Cuộc kháng chiến là sự hiện thực hóa khát vọng chính đáng này. Đây cũng chính là nỗi khát khao cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
Quyền tự quyết: Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập: Các dân tộc đều bình đẳng. Chính vì vậy, Dân tộc Việt Nam có quyền tự quyết định con đường phát triển của mình, không chịu sự áp đặt hay chi phối từ bên ngoài. Cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta là sự khẳng định quyền tự quyết đó.
Hai là, sự sụp đổ tất yếu của chế độ Việt Nam Cộng hòa
Chế độ Việt Nam Cộng hòa, được đế quốc Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng, mang trong mình những mâu thuẫn sâu sắc và những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi:
Tính chất tay sai: Chế độ Ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào sự viện trợ và chỉ đạo của Mỹ. Chỉ tính từ năm 1955-1958, viện trợ của Mỹ cho ngụy quyền và quân lực Việt Nam Cộng hòa lên tới 965 triệu USD[1], nếu tính tất cả chi phí của cuộc chiến tranh xâm lược thì con số đó lên hơn 900 tỷ USD.
Sự mục ruỗng và tham nhũng: Nạn tham nhũng lan tràn trong bộ máy chính quyền và quân đội, gây bất mãn sâu sắc trong nhân dân và làm suy yếu sức mạnh chiến đấu.
Sự đàn áp và khủng bố: Chế độ này đã sử dụng bạo lực để đàn áp các lực lượng yêu nước và những người dân phản đối, làm gia tăng sự căm phẫn và tinh thần đấu tranh của quần chúng.
Mất lòng dân: Chính sách cai trị phản dân chủ, phục vụ lợi ích của thiểu số đã khiến ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa ngày càng bị cô lập và mất đi sự ủng hộ của nhân dân.
Ba là; vai trò lãnh đạo quyết định của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố then chốt làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Với tư duy chiến lược nhạy bén và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng đã dẫn dắt nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để từng bước giành được những thắng lợi to lớn trên cả mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người lãnh tụ vĩ đại, biểu tượng cao đẹp của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất dân tộc - đã đóng vai trò soi đường chỉ lối cho toàn thể nhân dân trong suốt tiến trình kháng chiến. Tư tưởng, đạo đức và tấm gương của Người là nguồn cổ vũ to lớn, quy tụ sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc giải phóng đất nước.
Đặc biệt, Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, đồng thời phát huy cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã tạo nên nền tảng vững chắc cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, Đảng đã xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh. Đảng đã có những dự đoán chính xác về diễn biến tình hình và thời cơ chiến lược, đưa ra những quyết định kịp thời và sáng suốt, dẫn dắt cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Bốn là, sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế
Mặc dù trong giai đoạn chiến tranh, một số quốc gia vẫn ủng hộ Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, song kể từ sau năm 1975, lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước ngày càng được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 không chỉ mang ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn được nhìn nhận như một sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế, góp phần cổ vũ các phong trào đấu tranh vì độc lập và công lý trên toàn thế giới.
Trên nền tảng đó, Việt Nam đã từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại, thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, khẳng định vai trò tích cực trong nhiều tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng toàn cầu đối với những đóng góp chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Năm là, những hệ quả tích cực sau chiến thắng
Sau ngày thống nhất, Việt Nam đã tập trung vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế đã chứng minh con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn là đúng đắn và phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử.
Với những thắng lợi to lớn đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: Đại thắng Mùa Xuân 1975 mãi mãi là một bản anh hùng ca chói lọi của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của ý chí độc lập, tự cường và khát vọng hòa bình, thống nhất của nhân dân ta.
3. Kết luận
Đại thắng Mùa Xuân 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này không chỉ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn là một thắng lợi có ý nghĩa quốc tế sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Sự thất bại cay đắng của đế quốc Mỹ và các thế lực phản động, tay sai là một kết quả tất yếu của những sai lầm về chiến lược, sự suy yếu nội tại và sự phản kháng mạnh mẽ của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại thắng Mùa Xuân 1975 là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận, một niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam, và là bài học quý giá cho các thế hệ mai sau về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập tự cường và khát vọng hòa bình.
Tài liệu tham khảo
1. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 -1975, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Tập 8,9, H.2013.
2. Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.2015.
[1] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2013 Tập 9, tr 24.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp tỉnh: “50 năm chiến thắng lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975 - 2025) và bài học từ thực tiễn tỉnh Nghệ An trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay"