Những “Tọa độ lửa” ở Nghệ An – nơi ghi dấu những hy sinh, đóng góp to lớn của quân và dân quê hương Bác trong kháng chiến chống Mỹ
28/04/2025 04:23
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là một trong những địa bàn trọng yếu, vừa là hậu phương lớn vừa là tuyến vận tải chiến lược của miền Bắc. Nhận thức được tầm quan trọng của vùng đất này, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá dữ dội, biến nhiều địa danh thành những “tọa độ lửa” ác liệt, nơi quân và dân Nghệ An đã kiên cường chiến đấu, bảo vệ mạch máu giao thông, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc...
Những “Tọa độ lửa” ở Nghệ An – nơi ghi dấu những hy sinh, đóng góp to lớn của quân và dân quê hương Bác trong kháng chiến chống Mỹ

Ths: Ngô Bá Cường, Ths: Ngô Thị Vân

GV khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Nghệ An

Tóm tắt: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là một trong những địa bàn trọng yếu, vừa là hậu phương lớn vừa là tuyến vận tải chiến lược của miền Bắc. Nhận thức được tầm quan trọng của vùng đất này, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá dữ dội, biến nhiều địa danh thành những “tọa độ lửa” ác liệt, nơi quân và dân Nghệ An đã kiên cường chiến đấu, bảo vệ mạch máu giao thông, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc.

Từ khóa: “ Tọa độ lửa”; quân và dân Nghệ An; kháng chiến chống Mỹ

Thanh niên xung phong Truông Bồn san lấp hố bom năm 1968 (nguồn: baonghean)

Nghệ An có diện tích 16.490,25 km2 (lớn nhất cả nước), nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, có độ dốc thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, nhô ra phía biển, có đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển, hải đảo, địa thế hiểm trở, nhiều sông, suối, tài nguyên phong phú... Nơi đây có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng rất đáng tự hào. Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, Nghệ An đã ghi tên mình trong những trang sử đấu tranh oanh liệt của đất nước. 

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là một trong những điểm nóng trên tuyến lửa khu 4. Đây là nơi trung chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn ra tiền tuyến, là điểm đầu của vùng “cán xoong” – nơi được xem là yết hầu của tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam và cả Đông Dương. Cũng chính vì vị trí đặc biệt đó, Nghệ An đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ với mưu đồ cắt đứt huyết mạch giao thông. Nhưng vượt lên tất cả, quân và dân Nghệ An đã kiên cường bám đất, bám đường, giữ vững mạch máu giao thông, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ nghiên cứu, cảm nhận lịch sử từ những “tọa độ lửa” tiêu biểu trên mảnh đất Nghệ An anh hùng – nơi chứng kiến mức độ khốc liệt của chiến tranh, nơi từng ghi dấu bao mất mát, hy sinh to lớn, cũng là nơi rực sáng tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của con người xứ Nghệ trong sự nghiệp .

1. Truông Bồn – Biểu tượng của ý chí sắt đá

Truông Bồn là một tuyến đường đèo dốc dài khoảng 5 km, có độ cao gần 70 m, nằm trong dãy núi Thung Nưa với đỉnh cao nhất lên tới 450 m so với mực nước biển. Địa danh này tọa lạc trên tuyến đường chiến lược 15A, còn gọi là Đường 30, đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn giữ vai trò đặc biệt quan trọng về mặt quân sự và chiến lược. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, góp phần vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho tiền tuyến, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ý thức rõ tầm quan trọng sống còn của tuyến đường này, đế quốc Mỹ đã điên cuồng trút xuống Truông Bồn gần 20.000 quả bom, biến vùng núi cao thành bình địa, nhằm cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Nhưng với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”, quân và dân Nghệ An, đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong, vẫn kiên cường bám trụ, đảm bảo thông đường trong mọi tình huống.

Trận bom sáng ngày 31/10/1968 là dấu mốc hào hùng và bi tráng, khi 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đoàn xe quân sự vượt qua tọa độ lửa Truông Bồn. Sự hy sinh cao đẹp đó đã trở thành khúc tráng ca bất tử, ghi danh vào lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc, là dấu ấn thiêng liêng, chói sáng tinh thần cách mạng của quân và dân Nghệ An anh hùng.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, Truông Bồn hôm nay đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trong hành trình tri ân và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nơi đây không chỉ ghi dấu một thời khói lửa, máu xương mà còn là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, tinh thần xung kích cách mạng và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc.

2. Phà Bến Thủy – “Yết hầu” của tuyến chi viện

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ nhưng anh dũng, Phà Bến Thủy – tuyến giao thông huyết mạch trên Quốc lộ 1A nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh – được xem như “yết hầu lửa” của hậu phương lớn miền Bắc, là mắt xích chiến lược trong mạng lưới vận tải chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Trước tình hình chiến tranh ác liệt, tháng 11/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định chuyển giao nhiệm vụ vận hành phà từ Bộ Giao thông Vận tải sang Quân đội đảm nhiệm. Đơn vị công binh được phân công phụ trách bao gồm cán bộ, chiến sĩ của ba đại đội: Đại đội pháo binh Hoàng Mai, Đại đội pháo binh Nam Đàn và Đại đội công binh Bến Thủy.

Giai đoạn 1965 – 1968, phà Bến Thủy phải gánh chịu hơn 2.900 trận oanh kích của không quân và hải quân Mỹ, với 11.377 quả rocket, bom và pháo các loại trút xuống. Song, tập thể cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, bất chấp bom đạn ác liệt, bảo vệ mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chi viện chiến lược cho miền Nam, trung bình mỗi đêm có hàng trăm, thậm chí gần cả nghìn lượt xe vận tải chở vũ khí, lương thực, thuốc men và quân trang vượt qua phà Bến Thủy để tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Với những thành tích xuất sắc đó, cuối năm 1968, phà Bến Thủy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1972 – cao điểm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – tuyến vận tải chiến lược qua phà Bến Thủy đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam. Bình quân mỗi đêm có từ 700 đến gần 1.000 lượt xe vận tải hạng nặng vượt sông an toàn; nhiều chuyến phà ghép đôi vận chuyển tới 12 xe, thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết liệt “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Đặc biệt, vào cuối năm 1972, trước tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, không quân Mỹ đã tăng cường đánh phá tuyến phà Bến Thủy bằng bom từ trường, gây tê liệt toàn bộ giao thông thủy trong suốt 5 ngày liên tiếp. Trước tình thế cấp bách đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã phát huy cao độ tinh thần sáng tạo và ý chí quyết thắng, mạnh dạn đề xuất phương án dùng ca nô kéo phà vượt sông, bất chấp hiểm nguy sinh tử. Đây là hành động cảm tử, được ví như “đi bừa bom trên sông Lam”, thể hiện tinh thần cách mạng tiến công không lùi bước trước kẻ thù.

Với lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu sống cho các chiến sĩ cảm tử – một nghi lễ thiêng liêng, thể hiện sự sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Chính sự hy sinh cao cả đó đã góp phần khơi thông mạch máu vận tải chiến lược, tiếp tục đưa hàng hóa, vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của dân tộc trong mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Ghi nhận những đóng góp to lớn, năm 1972, phà Bến Thủy được cấp trên chỉ đạo hoàn tất hồ sơ để trình phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai, khẳng định vị thế đặc biệt và những chiến công rực rỡ của một tập thể anh hùng nơi tuyến lửa.

Phà Bến Thủy trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và trí tuệ sáng tạo của quân dân ta, mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong thử thách khốc liệt, giữa mưa bom bão đạn, những người lính, thanh niên xung phong và nhân dân phục vụ tuyến phà đã nêu cao tinh thần "tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược", quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Phà Bến Thủy mãi mãi đi vào lịch sử như một minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc, là biểu tượng của ý chí độc lập, tự do, khát vọng thống nhất đất nước. Tinh thần Bến Thủy hôm nay tiếp tục được kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm công dân trong mỗi thế hệ người Việt Nam chung và Nhân dân Nghệ An nói riêng.

3. Cầu Cấm – Nút thắt ba huyết mạch giao thông

Cầu Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An) được xây dựng dài hơn 123 m, rộng 24m bắc qua sông Cấm thuộc địa bàn 2 xã Nghi Yên và Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An). Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan - là điểm huyết mạnh trong việc chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam thời chiến tranh chống Mỹ.

Vì vị trí chiến lược này mà cầu Cấm từng được ví là "xương sống", "túi đựng bom đạn Mỹ".  Để cắt đứt điểm huyết mạch này, máy bay và tàu chiến Mỹ có nhiều thời điểm ngày đêm thay nhau trút bom, đạn xuống cầu Cấm. Mặt đất, triền núi, mặt sông khu vực cầu Cấm trong những năm chiến tranh luôn rung lên bần bật bởi bom đạn. Năm 1965, cầu Cấm bị đánh 800 trận, năm 1966 bị đánh 1.200 trận, năm 1967 cầu Cấm bị ném bom, pháo kích 5.000 trận bình quân mỗi ngày, đêm có 300 lượt máy bay Mỹ ném bom, bắn rốc-két và trọng liên 20 ly 7…

Ý thức được vai trò chiến lược đó, đế quốc Mỹ đã huy động không quân và hải quân ngày đêm đánh phá cầu Cấm nhằm cắt đứt tuyến vận tải huyết mạch. Những trận mưa bom, bão đạn dội xuống khu vực cầu khiến mặt đất, triền núi và lòng sông Cấm liên tục rung chuyển. Trước âm mưu tàn bạo ấy, Đảng và Nhà nước đã huy động nhiều lực lượng chủ lực, trong đó có các đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ và đặc biệt là các đại đội Thanh niên xung phong kiên cường bám trụ bảo vệ trọng điểm.

Tại các trận địa phòng không K8, K9, K10 – đóng tại các vị trí chiến lược như Cống Hóp, vườn Mít, trại Chè – các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 16 đã ngày đêm trực chiến, kiên quyết đánh trả mỗi đợt không kích. Sau mỗi trận oanh tạc, những người con của quê hương từ các xã Diễn Thọ, Diễn Lộc, Nghi Yên, Nghi Thuận, Nghi Long...lại tức tốc lao vào trận địa, san lấp hố bom, thông tuyến, bảo đảm cho cầu Cấm tiếp tục “thở” để vận chuyển kịp thời hàng hóa vào chiến trường.

Theo thống kê từ năm 1966 đến 1968, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống tại trận địa này. Tổn thất lớn nhất là vào ngày 5-2-1967, khi lực lượng Thanh niên xung phong thuộc đội 69 và 65 đang hối hả san lấp hố bom phía Bắc cầu Cấm, bất ngờ một đợt pháo kích tọa độ dội xuống đội hình. Mặt đất rung chuyển, mịt mù. Trong giây lát, 15 chiến sĩ hy sinh khi tất cả đều đang còn rất trẻ. Họ đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cầu Cấm không chỉ là một công trình giao thông trọng điểm, mà còn là minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường và sự hy sinh cao cả của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những hy sinh trên mảnh đất này đã góp phần làm nên bản hùng ca bất tử của hậu phương lớn miền Bắc, hun đúc nên truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Nghệ An – vùng đất địa linh nhân kiệt.

4. Hoàng Mai – Vị trí chiến lược trọng yếu trên tuyến chi viện giao thông trong kháng chiến chống Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc (1954 – 1975), vùng đất Hoàng Mai – khi ấy thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An – đã trở thành một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về quân sự, giao thông và hậu cần. Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của xứ Nghệ, Hoàng Mai chính là điểm tiếp nối giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, giữ vai trò then chốt trong công cuộc vận chuyển lực lượng, khí tài, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Không chỉ có vị trí giao thông chiến lược, Hoàng Mai còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá với các dãy núi đá vôi trữ lượng lớn, có thể khai thác làm vật liệu xây dựng, phục vụ đắc lực cho công tác san lấp, khắc phục hậu quả chiến tranh, sửa chữa cầu đường bị bom đạn đánh phá.

Nhận rõ vai trò đặc biệt của Hoàng Mai trong chiến lược chi viện chiến trường miền Nam, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ đã tập trung đầu tư lực lượng bảo vệ khu vực này. Nhiều đơn vị quân đội chủ lực, dân quân tự vệ, lực lượng thanh niên xung phong đã được huy động và bám trụ ngày đêm, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, kiên cường bảo vệ an toàn tuyến vận tải quan trọng.

Về phía địch, với âm mưu cắt đứt mạch máu giao thông, làm suy yếu sức kháng cự của ta, đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều thủ đoạn và vũ khí hiện đại, liên tục đánh phá ác liệt khu vực Hoàng Mai. Chúng đã sử dụng nhiều loại vũ khí và phương tiện hiện đại như: máy bay A3D, AD6, F4H, A6A, B66B, tàu chiến liên tục đánh phá suốt ngày đêm, quyết tâm cắt đứt tuyến đường chi viện từ hậu phương của ta. Các địa danh nơi địa đầu xứ Nghệ lúc đó là ga Hoàng Mai, cầu Hoàng Mai, mỏ đá Hoàng Mai… trở thành những túi bom của Mỹ. Có nhiều ngày địch đánh từ 16 đến 21 trận, nhiều đường sá, cầu cống, nhà ga bị san phẳng, nhiều nơi hố bom chồng lên hố bom.

Không ngại gian khổ, hy sinh, hàng vạn cán bộ công nhân, thanh niên xung phong ngành Giao thông, ngành Đường sắt cùng với quân và dân Hoàng Mai đã chiến đấu kiên cường trên tọa độ lửa Hoàng Mai, đảm bảo giao thông liên tục và thông suốt “phà Hoàng Mai đêm đêm xe cứ vượt, chở đạn bom ra chiến trường”.  Sau hai đợt chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, mảnh đất Hoàng Mai anh hùng đã ghi dấu sự hy sinh to lớn: 250 cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong đã ngã xuống; hàng nghìn người khác mang thương tích bởi bom đạn chiến tranh. Trong đó, sự kiện ngày 28/4/1966 đã trở thành nỗi đau không thể nào quên: máy bay Mỹ bắn tên lửa vào hang Hỏa Tiễn – nơi trú ẩn của lực lượng thanh niên xung phong – khiến 33 chiến sĩ trẻ mãi mãi không trở về. Máu đào của họ đã nhuộm đỏ đá núi, hun đúc thêm tinh thần bất khuất, trung kiên của quê hương Xô viết anh hùng.

Ngày nay, hang Hỏa Tiễn không chỉ là chứng tích của tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, mà còn là một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt, ghi dấu tinh thần quật cường, khí phách lẫm liệt của quân và dân Nghệ An trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, năm tháng vẫn không thể làm lu mờ những dấu ấn hào hùng, thiêng liêng với những hy sinh, đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Những “tọa độ lửa” trên mảnh đất Nghệ An anh hùng không chỉ là dấu tích của những năm tháng chiến tranh ác liệt, mà còn là biểu tượng bất diệt cho tinh thần kiên trung, bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân quê hương Bác Hồ. Với vai trò vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, những hy sinh nhưng cao cả của biết bao cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối. Những địa danh như Truông Bồn, Bến Thủy, Cầu Cấm, Hoàng Mai… đã trở thành các di tích lịch sử thiêng liêng – nơi nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về một thời oanh liệt, về truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường và ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam.

Tri ân quá khứ là để thêm trân quý hiện tại và vững bước vào tương lai. Noi gương các anh hùng liệt sĩ và những hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ cha, anh trong sự nghiệp cách mạng, mỗi người con của Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay, đặc biệt là các thế hệ, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, thanh niên, học sinh, sinh viên... trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cần không ngừng học tập, rèn luyện, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đóng góp trí tuệ, sức lực để xây dựng đất nước, quê hương phồn vinh, văn minh, hùng cường – xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tỉnh ủy-Hội đồng Nhân dân-UB Nhân dân tỉnh Nghệ An: Lịch sử Nghệ An, Tập II, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, HN- 2012.

2. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UB Nhân dân tỉnh Nghệ An: Lịch sử quân sự Nghệ An, Tập I, Nxb Quân Đội Nhân dân, HN-2015

3. Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc: Lịch sử Đảng uyện bộ huyện Nghi Lộc (1930-2010), Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội- 2013

 

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp tỉnh: “50 năm chiến thắng lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975 - 2025) và bài học từ thực tiễn tỉnh Nghệ An trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay"