Quá trình phát triển tư duy chiến lược của Đảng về đường lối cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – Bài học cho sự phát triển của Nghệ An hiện nay
28/04/2025 04:48
Quá trình phát triển tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là minh chứng sinh động cho bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của Đảng. Tư duy chiến lược ấy được thể hiện qua sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, linh hoạt trong đường lối, sáng tạo trong phương pháp đấu tranh, kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và ngoại giao. Những bài học rút ra từ thực tiễn đó tiếp tục soi sáng con đường...
Quá trình phát triển tư duy chiến lược của Đảng về đường lối cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – Bài học cho sự phát triển của Nghệ An  hiện nay

                                                    ThS. Nguyễn Thị Thùy Dung

                                                    GVC. Khoa Xây dựng Đảng

 

Tóm tắt: Quá trình phát triển tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là minh chứng sinh động cho bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của Đảng. Tư duy chiến lược ấy được thể hiện qua sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, linh hoạt trong đường lối, sáng tạo trong phương pháp đấu tranh, kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và ngoại giao. Những bài học rút ra từ thực tiễn đó tiếp tục soi sáng con đường phát triển hiện nay, đặc biệt trong việc xác định hướng đi cho tỉnh Nghệ An – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhằm trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ theo tinh thần đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Từ khóa: Tư duy chiến lược của Đảng; Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Bài học cho sự phát triển của Nghệ An.

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954–1975) là một trong những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi vĩ đại ấy không chỉ thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần yêu nước sâu sắc, mà còn là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam – đặc biệt là sự phát triển không ngừng của tư duy chiến lược trong suốt hơn hai thập kỷ lãnh đạo cách mạng. Tư duy ấy thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định, tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt trong chỉ đạo, từng bước đưa dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sứ mệnh lịch sử: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Việc nghiên cứu, nhận thức đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển tư duy chiến lược của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc trong bối cảnh hiện nay. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), việc nhìn lại chặng đường ấy là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Đặc biệt, đối với Nghệ An – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh – việc vận dụng sáng tạo những bài học từ tư duy chiến lược của Đảng vào phát triển địa phương là nhiệm vụ quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ, theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị.

1. Quá trình phát triển tư duy chiến lược của Đảng về đường lối cách mạng giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước

Tư duy chiến lược được hiểu là khả năng nhận thức và phân tích các vấn đề một cách toàn diện, có chiều sâu và tầm nhìn xa, nhằm xác định mục tiêu lâu dài, hoạch định phương hướng và giải pháp lớn để đạt được mục tiêu đó trong điều kiện không chắc chắn và luôn biến động. Tư duy chiến lược không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những vấn đề trước mắt, mà phải tiên liệu được xu hướng vận động của tình hình trong tương lai, từ đó đưa ra các quyết sách mang tính định hướng, tạo ra sự khác biệt, bền vững và hiệu quả trong quá trình phát triển.

Tư duy chiến lược của Đảng về đường lối cách mạng là quá trình nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện ở tầm nhìn xa, rộng, toàn diện và có hệ thống của Đảng trong việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong từng thời kỳ cách mạng cụ thể. Tư duy chiến lược được thể hiện qua năng lực của Đảng trong việc: Phân tích, đánh giá đúng đắn tình hình trong nước và quốc tế, dự báo xu hướng vận động của thời đại; Xác định mục tiêu chiến lược, phương hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, các bước đi phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử và điều kiện cụ thể của Việt Nam; Đề ra các chính sách, giải pháp chiến lược mang tính lâu dài, đồng bộ và khả thi, nhằm dẫn dắt sự nghiệp cách mạng đi đến thành công.

Tư duy chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định đến việc hoạch định đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc rằng: chỉ khi có tư duy chiến lược đúng đắn, toàn diện và phù hợp với thực tiễn mới có thể xác định rõ mục tiêu, phương hướng phát triển và các bước đi thích hợp cho sự nghiệp cách mạng. Tư duy chiến lược giúp Đảng nhìn xa trông rộng, dự báo được xu thế vận động của tình hình trong nước và quốc tế, từ đó chủ động đề ra các quyết sách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả. Nhờ có tư duy chiến lược sắc sảo, Đảng ta đã xác lập được đường lối cách mạng đúng đắn, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua các thử thách lịch sử to lớn để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam về cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một quá trình vận động biện chứng, sáng tạo và linh hoạt, vừa kiên định mục tiêu chiến lược, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn từng thời kỳ. Trải qua hơn hai thập niên lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện tư duy chiến lược, kết tinh thành đường lối cách mạng đúng đắn trong từng giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1954 - 1960: Xác lập hai nhiệm vụ chiến lược

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và việc ký kết Hiệp định Genève (7/1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trở thành vùng hậu phương lớn, có điều kiện thuận lợi để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, miền Nam vẫn bị đặt dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, phong trào cách mạng bị đàn áp khốc liệt, các lực lượng cách mạng bị đẩy vào hoạt động bí mật.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta với tư duy chiến lược sắc bén, đã kịp thời xác định hai nhiệm vụ chiến lược: ở miền Bắc là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm lật đổ chính quyền tay sai, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Tư duy chiến lược này được khẳng định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1 và tháng 2 năm 1959), trong đó Đảng nhấn mạnh: Cách mạng miền Nam không thể dựa vào con đường hoà bình, mà phải sử dụng bạo lực cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh đổ chế độ độc tài tay sai Mỹ.

- Giai đoạn 1961 - 1968: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và phát triển tư duy về chiến tranh nhân dân

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện "chiến lược chiến tranh đặc biệt" với nỗ lực xây dựng một chính quyền tay sai mạnh, hiện đại hóa quân đội Sài Gòn và sử dụng vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhằm nhanh chóng dập tắt phong trào cách mạng ở miền Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta kịp thời điều chỉnh chiến lược, xác định: Cuộc đấu tranh ở miền Nam là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa có tính chất dân tộc vừa có tính chất giai cấp sâu sắc.

Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (12/1963) và Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3/1965) tiếp tục cụ thể hóa đường lối này, nhấn mạnh vai trò của chiến tranh nhân dân ở cả hai miền, đặc biệt là ở miền Nam, nơi quần chúng nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong đấu tranh chính trị, nổi dậy từng phần, kết hợp với đấu tranh vũ trang phát triển thành các vùng giải phóng rộng lớn. Miền Bắc với tư cách là hậu phương chiến lược đã huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam, thể hiện tính thống nhất trong chiến lược toàn quốc của Đảng.

Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đánh dấu bước phát triển đột phá trong tư duy chiến lược của Đảng. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu chiến lược cuối cùng là giành chính quyền ở các đô thị lớn, nhưng Tết Mậu Thân đã làm phá sản ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, gây chấn động mạnh mẽ dư luận trong nước và quốc tế, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.

- Giai đoạn 1969 - 1973: Kết hợp đấu tranh quân sự và ngoại giao

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (9/1969), sự nghiệp cách mạng tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên định thực hiện dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và Cương lĩnh cách mạng. Giai đoạn này, đế quốc Mỹ triển khai chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", tăng cường viện trợ cho chính quyền Sài Gòn nhằm rút dần quân Mỹ về nước, giảm tổn thất chiến tranh, nhưng vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng và sự thống trị.

Đứng trước tình hình đó, Đảng ta đã phát triển mạnh mẽ tư duy kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, trên cơ sở nguyên tắc “vừa đánh vừa đàm”. Hội nghị Trung ương lần thứ 19 và 20 nhấn mạnh yêu cầu phải giành thắng lợi trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao. Đường lối đấu tranh ngoại giao được nâng tầm chiến lược, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo áp lực buộc Mỹ phải chấp nhận các yêu sách của ta.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được ký ngày 27/1/1973, là thành quả của tư duy chiến lược đúng đắn và sự kết hợp linh hoạt giữa quân sự và ngoại giao của Đảng. Mỹ buộc phải cam kết rút toàn bộ quân viễn chinh khỏi miền Nam, thừa nhận quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam. Đây là thắng lợi mang tầm vóc chiến lược, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, mở đường cho tổng công kích giải phóng hoàn toàn miền Nam.

- Giai đoạn 1973 - 1975: Chủ động thời cơ - tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (7/1973), nhận định rõ: Mặc dù Mỹ rút quân, song chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục chiến tranh, tiến hành các hành động phá hoại Hiệp định, vì vậy con đường cách mạng miền Nam vẫn là khởi nghĩa giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng. Đảng chủ trương kiên trì chiến lược kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đặc biệt chú trọng phát động các cuộc nổi dậy của quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa ba mũi giáp công.

Tư duy chiến lược của Đảng thể hiện rõ qua quyết định kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975. Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975), tiếp đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng, đã làm tan rã lực lượng lớn của quân đội Sài Gòn. Đảng ta đã có bước phát triển đột phá về tư duy chiến lược, chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", tổ chức Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tư duy chiến lược của Đảng trong toàn bộ quá trình cách mạng giải phóng miền Nam thể hiện sự nhất quán về mục tiêu, linh hoạt trong phương pháp, sáng tạo trong hành động. Đó là biểu hiện của sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư duy chiến lược và tư duy tác chiến, giữa tầm nhìn dài hạn và khả năng ứng phó linh hoạt trước những biến động phức tạp của tình hình. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả của đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng – nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

2. Vận dụng bài học tư duy chiến lược của Đảng về đường lối cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sự phát triển tỉnh Nghệ An hiện nay

Tư duy chiến lược của Đảng trong lãnh đạo cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để lại nhiều bài học có giá trị đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, đặc biệt là ở cấp địa phương. Đối với Nghệ An – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh – việc vận dụng sáng tạo các bài học tư duy chiến lược đó là một yêu cầu tất yếu nhằm tạo bước phát triển đột phá trong bối cảnh mới.

Một trong những nội dung xuyên suốt của tư duy chiến lược là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là nguyên tắc nền tảng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, tỉnh đã không ngừng nỗ lực khẳng định rõ định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua việc gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội, đồng thời nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ hệ thống chính trị. Định hướng này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kết nối vùng về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, công nghiệp chế biến – chế tạo và dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Bài học về phát triển bền vững gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Việc chăm lo đến đời sống nhân dân, nhất là các nhóm yếu thế, người có công, hộ nghèo, luôn được đặt lên hàng đầu. Trong năm 2024, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế cơ sở. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,12%, hơn 65.000 đối tượng chính sách xã hội được trợ cấp thường xuyên. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh với 332/418 xã đạt chuẩn, trong đó nhiều xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu. Điều đó cho thấy sự vận dụng nhất quán quan điểm phát triển vì con người, lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách.

Tư duy chiến lược còn thể hiện ở khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Tỉnh Nghệ An luôn bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và cụ thể hóa thành các chương trình hành động phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội được xác định rõ ràng, có lộ trình và giải pháp cụ thể, qua đó phát huy hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Năm 2024, Nghệ An thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,69 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Các khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Mai I đã trở thành đầu tàu thu hút các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Đây là minh chứng rõ nét cho việc vận dụng tư duy lý luận gắn với thực tiễn và nhu cầu phát triển cụ thể của địa phương.

Một yếu tố quan trọng khác của tư duy chiến lược là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tỉnh Nghệ An đặc biệt coi trọng việc huy động và phát huy nội lực từ nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự, cải cách hành chính, chuyển đổi số… đều nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân. Nhờ sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân, năm 2024 tỉnh đã hoàn thành vượt 27/28 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ và đồng thuận là một trong những nền tảng quan trọng của tư duy chiến lược mà Nghệ An đang vận dụng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tư duy chiến lược đòi hỏi khả năng linh hoạt, thích ứng nhanh với những thay đổi của tình hình. Tỉnh đã tăng cường năng lực dự báo, đánh giá tình hình để chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phát triển phù hợp. Các dự án trọng điểm như đường ven biển, cao tốc Bắc – Nam, các khu công nghiệp lớn được đẩy nhanh tiến độ. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 9,01%, thu ngân sách vượt 49,3% dự toán, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD. Những kết quả này thể hiện rõ năng lực chỉ đạo, điều hành linh hoạt và hiệu quả – yếu tố then chốt trong tư duy chiến lược.

Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng là nhân tố quyết định thành công trong mọi lĩnh vực. Ở Nghệ An, vai trò của tổ chức Đảng các cấp được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tỉnh ủy đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ được thực hiện bài bản, gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025–2030. Điều này đảm bảo sự kế thừa, ổn định và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy cấp xã, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập... được thực hiện một cách khoa học, đúng quy trình, không để xảy ra khoảng trống trong quản lý. Công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ được triển khai đồng bộ, bảo đảm tính ổn định trong bộ máy chính quyền các cấp. Qua đó, tư duy chiến lược về xây dựng bộ máy “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” đang từng bước trở thành hiện thực tại Nghệ An.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục. Trong tư duy lãnh đạo, quản lý của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở, vẫn còn biểu hiện thiếu nhạy bén, chậm đổi mới, tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn còn phổ biến, chưa thực sự có tầm nhìn dài hạn, bền vững. Về công tác xây dựng Đảng, vẫn còn những hạn chế trong việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Một bộ phận cán bộ còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm, thiếu quyết liệt trong công việc; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phòng ngừa sai phạm từ sớm, từ xa. Một bộ phận cán bộ còn biểu hiện thụ động, lúng túng trong xử lý các vấn đề mới phát sinh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chỉ đạo và triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, đánh giá tình hình và xây dựng kế hoạch chiến lược ở một số ngành, lĩnh vực còn thiếu chiều sâu, thiếu tính khả thi, chưa kịp thời điều chỉnh phù hợp với bối cảnh biến động nhanh của kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng hiện nay. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển chưa thật sự đồng bộ, còn tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán, dẫn đến hiệu quả triển khai thấp.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và tiếp tục vận dụng hiệu quả các bài học từ tư duy chiến lược của Đảng vào thực tiễn phát triển tỉnh Nghệ An, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý và tư duy hành động trong toàn hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải phát huy vai trò nêu gương, tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong hoạch định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo, phân tích tình hình để kịp thời tham mưu, đề xuất những chính sách phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh biến động nhanh của thế giới và trong nước.

Thứ hai, phát huy mạnh mẽ vai trò của Đảng bộ trong lãnh đạo toàn diện, trực tiếp các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý sai phạm; đồng thời chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, năng lực, khát vọng cống hiến và tinh thần đổi mới, sáng tạo, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ.

Thứ ba, cần vận dụng sáng tạo các bài học tư duy chiến lược vào quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần các nghị quyết Trung ương 6, khóa XII và Kết luận số 48-KL/TW. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không chỉ nhằm tinh giản đầu mối mà còn đòi hỏi tư duy mới trong tổ chức bộ máy, phương thức lãnh đạo và bố trí cán bộ. Cần chú trọng lựa chọn cán bộ sau sáp nhập theo năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức, tinh thần dám nghĩ, dám làm, không chạy theo bằng cấp hay số lượng.

Thứ tư, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ năm, chú trọng phát triển toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tăng cường các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển. Đồng thời cần tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp thông minh. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm như: cảng nước sâu Cửa Lò, sân bay quốc tế Vinh, dự án LNG Quỳnh Lập...

Cuối cùng, cần làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin và các bài học lịch sử cách mạng của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, nhất là trong quá trình triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An. Đây là cơ sở để hoạch định các chiến lược phát triển phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới – thời kỳ phát triển nhanh, bền vững, hiện đại và mang bản sắc xứ Nghệ.

Như vậy, quá trình phát triển tư duy chiến lược của Đảng về đường lối cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản. Những bài học quý báu rút ra từ tư duy chiến lược đó không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp. Đặc biệt, đối với tỉnh Nghệ An – quê hương của Bác Hồ kính yêu – việc vận dụng sáng tạo các bài học từ tư duy chiến lược của Đảng vào định hướng phát triển địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ, đóng vai trò động lực trong phát triển vùng và cả nước trong thời kỳ mới./.

Tài liệu tham khảo:

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nxb. Sự thật, H, 1977.

2. PGS.TS Đoàn Minh Huấn, TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (đồng chủ biên): Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 2019.

3 Tỉnh ủy Nghệ An: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

4. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp tỉnh: “50 năm chiến thắng lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975 - 2025) và bài học từ thực tiễn tỉnh Nghệ An trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay"